Có rất nhiều lý do gây nên bí tiểu tiện và phù như suy tim, xơ gan, xơ gan cổ trướng, phù phổi cấp, nhiễm độc thai nghén... Nhiều người cho rằng các loại thuốc lợi niệu chỉ chữa triệu chứng nên tự ý mua dùng. Thực tế trong các bệnh này thuốc lợi niệu đôi khi lại là một trong các thuốc chữa bệnh chính nên việc dùng không hề đơn giản.
Thuốc lợi niệu tác động nhiều đến huyết áp, tim mạch của bệnh nhân. |
Trong trường hợp nhiễm độc thai, nước bị thất thoát ra ngoài hệ tuần hoàn và nằm ở dưới da nên nhìn bề ngoài thấy phù, nhưng thật ra do sự thất thoát nước nên máu đã bị cô đặc hơn bình thường. Nếu dùng thuốc lợi niệu thì nước và muối thoát đi nhiều hơn, máu sẽ bị cô đặc hơn, bị rối loạn cân bằng nước - điện giải. Như vậy dùng thuốc lợi niệu sẽ có hại và không được dùng.
Sau Hội nghị tăng huyết áp thế giới 2005, thuốc lợi niệu được đánh giá là loại thuốc hạ áp có hiệu quả không kém các nhóm hạ áp khác, được khuyên chọn khi khởi đầu trị liệu hoặc phối hợp khi cần với các thuốc hạ áp khác. Tuy nhiên thuốc lợi niệu đã có tính hạ huyết áp, khi phối hợp với một thuốc hạ áp khác (ví dụ các thuốc ức chế men chuyển) thì sẽ dễ gây tụt huyết áp quá mức. Vì vậy, nếu trước đó đã dùng thuốc lợi niệu thì hãy nghỉ vài ngày mới dùng thuốc hạ áp khác. Còn khi cần dùng thuốc lợi niệu phối hợp với các thuốc hạ áp khác thì liều khởi đầu các thuốc phối hợp đó phải thấp, rồi tăng dần đến mức vừa đủ. Trong khi dùng nếu thấy có hiện tượng hạ áp quá mức thì phải ngừng dùng thuốc lợi niệu. Như thế, dùng thuốc lợi niệu phải luôn luôn có sự theo dõi điều chỉnh.
Ngoài việc tăng tính bài tiết nước, natrium, chloride thuốc lợi niệu cũng làm tăng hay giảm bài tiết kalium. Đứng riêng ở góc độ này, thuốc lợi niệu được chia ra hai “phái” nhỏ: phái không làm tăng bài tiết kalium gọi là lợi tiểu tiết kiệm kalium (như spironolacton, triamterene, amiloride); phái làm tăng nhẹ bài tiết kalium (như hydrochlorothiazid). Khi dùng thuốc lợi niệu một mình với liều cao có thể gây nên tăng hay giảm kalium huyết. Khi dùng với thuốc hạ huyết áp lại càng phức tạp. Chẳng hạn: Bản thân nhóm thuốc ức chế men chuyển thường gây ra sự tăng kalium máu (do giảm aldosteron); nếu kết hợp với một thuốc lợi niệu tăng bài tiết nhẹ kalium thích hợp thì có thể giúp điều hoà kalium ; nếu kết hợp với lợi niệu tiết kiệm kali thì dễ làm tăng kalium huyết. Vì kalium có vai trò rất quan trọng với hoạt động của tim, nếu dùng không khéo, có thể gây loạn nhịp tim. Cũng vì thế khi bị phù do suy tim, việc dùng thuốc lợi niệu lại càng phải rất thận trọng.
Nếu bị bệnh gì dẫn đến bí tiểu tiện, phù người bệnh tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc mà hãy đến các thầy thuốc chuyên khoa để có lời khuyên thích hợp.