Sự thai nghén thường làm nặng thêm chứng mày đay và chàm ở phụ nữ, khiến họ cần đến thuốc chống dị ứng. Điều mà thai phụ quan tâm nhất là dùng thuốc thế nào để bảo đảm an toàn cho thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu.
->> Chuyên đề quan tâm:Sự phát triển của thai nhi
Ước tính 20-30% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị mắc các bệnh lý dị ứng, thường gặp nhất là viêm mũi xoang dị ứng, hen phế quản và mày đay. Khoảng 1/3 số phụ nữ bị viêm mũi xoang dị ứng và hen phế quản có biểu hiện nặng dần lên trong thời kỳ mang thai và ổn định trở lại sau khi sinh. Với mày đay và chàm, thai nghén cũng làm bệnh tái phát hoặc nặng lên ở hơn một nửa số phụ nữ. Mặc dù những tình trạng bệnh lý này không trực tiếp gây hại cho thai nhi nhưng nó có thể tác động tiêu cực đến việc ăn, ngủ, trạng thái cảm xúc và các sinh hoạt khác của bà mẹ, từ đó gián tiếp ảnh hưởng không tốt đối với thai nhi. Do đó, việc dùng các thuốc chống dị ứng trong những tình huống này là cần thiết.
Có 2 nhóm thuốc chủ yếu được sử dụng là kháng histamin và corticosteroid. Thuốc kháng histamin có hơn 40 hoạt chất và hàng trăm biệt dược, đem lại hiệu quả tốt trong điều trị các triệu chứng của mày đay, viêm mũi xoang dị ứng, viêm kết mạc dị ứng. Một số thuốc kháng histamin có tác dụng chống nôn khá tốt có thể được chỉ định để điều trị những trường hợp nôn quá nhiều do nghén ở một số bà mẹ mang thai.
Cũng như nhiều nhóm thuốc khác, với những thông tin hiện nay, không thể khẳng định thuốc kháng histamin nào là tuyệt đối an toàn với bào thai. Tuy nhiên, thông qua những nghiên cứu với quy mô khá lớn ở người và động vật trong suốt 5 thập kỷ qua, các nhà khoa học đã có thể xác định được những loại thuốc kháng histamin được phép sử dụng ở phụ nữ có thai, đây là những thuốc mà lợi ích lớn hơn rõ rệt so với nguy cơ, có tương đối đủ thông tin khẳng định tính an toàn ở liều điều trị đối với thai nghén ở người và động vật.
Một số thuốc khác tuy đã được chứng minh là an toàn ở động vật nhưng chưa có đủ những thông tin tin cậy khẳng định tính an toàn với thai nghén ở người, chỉ nên sử dụng trong trường hợp thật cần thiết. Cho đến nay, không có thuốc kháng histamin nào được chứng minh có khả năng gây sẩy thai hoặc các dị tật bẩm sinh.
Tính an toàn của các loại corticosteroid đối với phụ nữ có thai đã được các nhà khoa học rất quan tâm nghiên cứu trong nhiều năm qua. Các corticosteroid đường uống hoặc tiêm truyền có hiệu quả rất rõ rệt trong điều trị các đợt cấp của hen phế quản, viêm mũi xoang dị ứng hoặc các trường hợp mày đay nặng. Ấn tượng không tốt về tác dụng phụ của nhóm thuốc này đã dẫn đến những nghi ngại khi phải sử dụng chúng, đặc biệt ở phụ nữ có thai.
Tuy nhiên, các loại corticosteroid thường dùng như prednisolon, methylprednisolon hoặc prednison đều bị chuyển hóa ở nhau thai và chỉ còn chưa tới 10% thuốc có hoạt tính đến được thai nhi. Các nghiên cứu trong hơn 10 năm qua cho thấy, việc sử dụng corticosteroid toàn thân với liều điều trị thông thường ở những phụ nữ mang thai không làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh hoặc các bất thường khác của thai nhi.
Các corticosteroid xịt hoặc hít như budesonid, beclomethasone, fluticasone có vai trò rất to lớn trong kiểm soát dài hạn các triệu chứng của hen phế quản hoặc viêm mũi xoang dị ứng. Những nghiên cứu trong nhiều năm qua cho thấy, việc sử dụng lâu dài các thuốc này ở phụ nữ có thai không gây ra bất cứ tác hại nào cho thai nhi, đặc biệt budesonide và beclomethasone. Như vậy, nếu được chỉ định đúng, corticosteroid hoàn toàn có thể được sử dụng một cách an toàn ở phụ nữ có thai.
Tuy nhiên, dù dùng bất kỳ thuốc gì, thai phụ cũng phải được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn.