Bệnh lao rất nguy hiểm, nhưng nguy hiểm hơn cả là những biến chứng do nó gây ra. Biến chứng thường gặp của lao phổi là ho ra máu và tràn khí màng phổi.
Ho ra máu
Ho ra máu là triệu chứng thường gặp ở người lao phổi. Nhiều trường hợp do ho ra máu người ta đã phát hiện ra lao phổi.
Ho ra máu là một triệu chứng và cũng là một biến chứng của lao phổi. Lượng máu ho ra có thể rất ít, có 3 mức độ ho ra máu: Ở mức độ nhẹ, chỉ là những tia máu, sợi máu lẫn trong chất khạc, lượng máu ho ra dưới 50ml/24 giờ; ở mức độ vừa, lượng máu ho ra trong 24 giờ từ 50-200ml; ở mức độ nặng, lượng máu ho ra trong 24 giờ trên 200ml.
Ho ra máu có thể dai dẳng kéo dài cả tháng (trung bình từ 7-10 ngày), bệnh nhân có thể đột ngột ộc ra hàng trăm, hàng nghìn ml máu trong mươi phút, đưa đến tử vong tức khắc nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ho ra máu nguy hiểm vì nó gây ra mất máu cấp, lượng máu đó có thể rất nhiều, nếu ho ra máu không cầm được, bệnh nhân có thể tử vong ngay tức khắc.
Cũng có khi ho ra máu không nhiều, nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm vì lượng máu đó tắc nghẽn trong các phế quản, khí quản và các phế quản nhỏ làm cho bệnh nhân nghẹt thở như bị chết đuối, bị thắt cổ.
Ở người suy kiệt, có thai hoặc đang mắc một bệnh nào đó: suy tim, viêm gan, suy thận..., thì dù lượng máu mất đi do ho ra máu không nhiều, cũng làm bệnh trạng nặng lên nhiều, đẩy bệnh nhân đến bờ vực nguy hiểm.
Người bệnh khi bị ho ra máu thường hốt hoảng, lo sợ và càng hốt hoảng lo sợ lại càng ra máu nhiều tạo nên một vòng luẩn quẩn rất nguy hại cho bệnh nhân.
Tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi xảy ra khi màng phổi bị rách, không khí từ các phế nang bị rách hay từ bên ngoài tràn vào ép xẹp phổi.
Tràn khí màng phổi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó một nguyên nhân có thể gặp là lao phổi. Tổn thương lao ở phổi nhuyễn hóa, ăn mòn, phá hủy phổi - màng phổi gây loét thủng phế nang, phế quản, màng phổi, hoặc tạo nên các bóng dãn phế nang, khi các bóng này vỡ sẽ gây tràn khí màng phổi. Tràn khí màng phổi ép phổi xẹp lại gây ra khó thở cấp, gây rối loạn hô hấp.
Rối loạn này không chỉ do phần phổi bị xẹp mà còn do phần phổi lành phía bên đối diện cũng giảm hoạt động, vì bị áp lực dương tính bên phía tràn khí đẩy và khuynh hướng tự co lại của phổi lành, kéo trung thất sang phía đó. Ngoài ra, do đau nên bệnh nhân không dám thở mạnh và tình trạng sốc khi bị tràn khí cũng làm giảm hoạt động hô hấp.
Tràn khí màng phổi còn ảnh hưởng đến tuần hoàn, cản trở máu về tim. Nếu sau tràn khí lại có tràn dịch phản ứng, tràn máu màng phổi do màng phổi khi thủng, rách, đứt một mao mạch nào đó của màng phổi hoặc gây biến chứng tràn mủ màng phổi ở cặn màng phổi thì những biến loạn trên hô hấp, tuần hoàn càng nặng nề hơn.
Tràn khí màng phổi có nhiều loại, nhưng đáng lo ngại nhất là tràn khí màng phổi trung thất, vì trong loại tràn khí này các cơ quan quan trọng như các động mạch, tĩnh mạch phổi, quai động mạch chủ, các dây thần kinh trong khu vực trung thất, tim, v.v... bị khí trực tiếp đè ép.
Tràn khí màng phổi cần được giải quyết kịp thời, nhưng có thể gây tử vong nếu là tràn khí trung thất hoặc làm các cơ quan trung thất bị kéo đẩy hoặc nếu xảy ra ở người suy yếu, suy kiệt, có tổn thương phổi nặng.
Theo Vietnamnet