Trước đây, nhiều người thường nghĩ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) thường chỉ xảy ra ở người hút thuốc lá. Nhưng qua khảo sát những bệnh nhân mắc bệnh này đến điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan ghi nhận có khoảng 20% trường hợp mắc bệnh này do tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
Kiểm tra hô hấp của bệnh nhân (Ảnh: NLĐ)
Dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác
Bệnh viện Đại học Y Dược từng tiếp nhận một bệnh nhân 47 tuổi đến khám tại Khoa Hô hấp vì khó thở, khạc đàm và được các bác sĩ ghi nhận là bị bệnh COPD ở giai đoạn nặng sau khi thực hiện đo hô hấp ký. Mặc dù bệnh nhân này không hút thuốc nhưng lại làm việc trong nhà hàng với thời gian dài và không được hít thở không khí sạch do nhà hàng luôn đầy khói thuốc. Ngoài ra, bệnh COPD của bệnh nhân này đã gây biến chứng đến tim vì nhịp tim của bệnh nhân rất nhanh, đến 105 lần/phút để bù đắp cho chức năng phổi đã sa sút.
Ngoài nguyên nhân do thuốc lá mà ai cũng biết thì COPD còn do tác động của môi trường ô nhiễm. Cụ thể là bệnh nhân thường tiếp xúc với nơi có nồng độ khói bụi cao, bệnh nhân luôn sống trong nhà đầy khói bếp hay do làm việc nhiều năm trong những nơi rất bụi bặm hay rất nhiều khói...
Không riêng gì bệnh nhân trên mà phần lớn bệnh nhân đợi đến khi bệnh hô hấp nặng mới tìm đến bác sĩ. Họ không chú ý đến triệu chứng ho hay vấn đề về hô hấp trong nhiều năm. Do COPD là một loại bệnh ở phổi gây tắc nghẽn đường thở do đó bệnh nhân thường nhầm lẫn với những bệnh hô hấp khác hay viêm mũi họng nên thường chủ quan và bỏ qua các triệu chứng ban đầu. Nhất là ở những người không hút thuốc lá thì thường bệnh nhân không bao giờ nghĩ mình mắc bệnh này.
Bệnh nặng, việc vặt cũng không làm nổi
Theo PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan, COPD làm cho đường dẫn khí hẹp lại do thành của đường dẫn khí dày lên, sưng phù, bị siết chặt lại và tạo ra đàm làm người bệnh phải ho khạc ra.
Ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân có thể ho nhiều, đôi khi có khạc đàm, nhất là buổi sáng sớm hoặc cảm thấy hụt hơi khi làm việc nặng hoặc đi nhanh. Khi chuyển sang giai đoạn trung bình, COPD có các triệu chứng là bệnh nhân có thể ho và khạc đàm nhiều hơn, thường bị hụt hơi khi làm việc nặng hoặc đi nhanh, thấy khó khăn nếu làm việc nặng hay các việc lặt vặt. Đặc biệt, từ giai đoạn trung bình, bệnh nhân phải mất vài tuần mới phục hồi sau một đợt cảm hay nhiễm trùng. Đến giai đoạn nặng, ngoài tình trạng có thể ho nhiều hơn nữa và khạc ra nhiều đàm, người bệnh còn bị khó thở cả ngày lẫn đêm, không thể đi làm hay làm các việc lặt vặt trong nhà được nữa.
PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan khuyên khi người bệnh phát hiện những bất thường về hô hấp hay khi đã ho hơn một tháng, nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Còn để phòng bệnh hoặc để bệnh không diễn tiến nặng hơn, nên giữ không khí trong nhà thật sạch như không để trong nhà có khói, hơi hay các mùi nồng gắt. Nếu phải sơn hay xịt thuốc diệt muỗi, không nên ở trong nhà; nấu nướng ở gần cửa hay cửa sổ để khói và các mùi nồng gắt bay ra ngoài dễ dàng, đừng nấu nướng gần chỗ ngủ hay nơi bạn có mặt thường xuyên. Nếu đốt củi hay dầu hỏa nên để cửa mở để tránh hơi khói; đóng cửa sổ và ở trong nhà khi bên ngoài bị ô nhiễm không khí do khói hoặc bụi.
Theo Nguoilaodong Online