Nhiễm khuẩn tiết niệu là một bệnh hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ gái nhưng lại hay bị bỏ sót vì các triệu chứng thường mơ hồ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây sốt kéo dài. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây những biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, suy thận, tăng huyết áp...
Nguyên nhân
Bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu hay gặp ở trẻ gái hơn trẻ trai vì đường tiểu ở trẻ gái ngắn, vi khuẩn từ ngoài dễ dàng xâm nhập đi ngược dòng theo niệu đạo lên bàng quang gây viêm bàng quang, rồi từ bàng quang theo niệu quản lên thận gây viêm đài bể thận. Một nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ trẻ gái bị nhiễm khuẩn tiết niệu nhiều hơn trẻ trai là do các bà mẹ làm vệ sinh cho con thường hay có thói quen lau chùi ngược từ hậu môn đi qua lỗ tiểu và lỗ âm hộ lên trên, tức là từ sau ra trước, chính động tác này đã vô tình đem vi khuẩn từ hậu môn đến lỗ tiểu, lỗ âm hộ gây viêm đường tiết niệu và viêm nhiễm vùng âm hộ. Do đó đa số các trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu đều do các vi khuẩn có nhiều trong phân gây ra, thường là vi khuẩn E.coli.
Nhiễm khuẩn vùng âm hộ ở trẻ gái cũng dễ dẫn đến nhiễm khuẩn tiết niệu vì lỗ tiểu và lỗ âm hộ ở gần nhau, mà hai bệnh này hay đi cùng nhau và hay gặp ở các trẻ gái hay ngồi lê la dưới đất mà không mặc quần hoặc mặc quần vải quá mỏng.
Ở trẻ bị mắc giun nhất là giun kim mà không được điều trị, chính giun kim là nguyên nhân mang vi khuẩn từ hậu môn ngược ra phía trước gây nhiễm khuẩn tiết niệu.
Một số trẻ có bất thường hệ tiết niệu như bị trào ngược bàng quang - niệu quản, có sỏi niệu hoặc trên những trẻ được làm thủ thuật niệu khoa như đặt ống sonde tiểu, soi bàng quang... cũng dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu.
Triệu chứng: Thường mơ hồ và thay đổi tùy theo lứa tuổi.
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: Ta có thể gặp sốt nóng hoặc ngược lại là hạ thân nhiệt, hoặc sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, trẻ bú kém, biếng ăn, nôn mửa hoặc tiêu chảy, cũng có thể chỉ đơn thuần là không tăng cân.
Trẻ lớn: Triệu chứng điển hình là đi đái rắt, đái buốt, đái đục, đái dầm trong nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới hay còn gọi là viêm bàng quang. Nếu viêm đài bể thận thì trẻ sẽ bị sốt cao, đau hông, lưng, đau bụng, nếu viêm đài bể thận mạn thì thường không có triệu chứng, có thể bị tăng huyết áp khi có sẹo ở thận do các ổ áp-xe khi lành để lại di chứng. Chẩn đoán xác định bị nhiễm khuẩn tiết niệu khi xét nghiệm nuôi cấy có vi khuẩn gây bệnh trong nước tiểu, ngoài ra trong nước tiểu có thể có bạch cầu.
Phòng bệnh: Việc điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu khá dài ngày và đôi khi tốn kém, nên phòng bệnh là rất quan trọng. Với trẻ em không nên cho trẻ lê la dưới đất. Vệ sinh tốt vùng hậu môn, rửa sạch sau mỗi lần trẻ đại tiện, vệ sinh kỹ vùng âm hộ. Dù rửa hay lau đều phải tuân theo nguyên tắc luôn bắt đầu từ phía trước là nơi lỗ tiểu và âm hộ kéo ra sau tới lỗ hậu môn, tuyệt đối không được lau qua lau lại một chỗ mà chỉ đi theo một chiều từ trước ra sau cho đến khi sạch hẳn. Chúng ta cũng không nên mặc cho trẻ loại quần để trống phần đít cho trẻ dễ tiểu tiện hay không được cho trẻ cởi truồng. Vải quần trẻ mặc nên tránh loại nilông vì nóng và bí hơi, nên chọn thứ vải thấm hút tốt, thoáng mát và mềm mại như vải sợi cotton... Cần tẩy giun định kỳ cho trẻ. Bảo đảm cho trẻ uống đủ nước, trẻ đi tiểu nhiều sẽ tống ra ngoài những vi khuẩn đang ngược lên bàng quang theo thành niệu đạo. Không có nước tiểu cũ bị ứ đọng thường xuyên trong bàng quang sẽ không tạo điều kiện cho vi khuẩn có môi trường thuận lợi để sinh sôi nảy nở. Ngoài việc bảo đảm chế độ nuôi trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng ra, cần cho trẻ ăn nhiều hoa quả, cung cấp đủ vitamin C sẽ giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, nước tiểu bị axít hóa làm vi khuẩn khó phát triển.
(Theo BS. Lê Thu Hương - SK&ĐS)