Trong thời kỳ mang thai, bạn không chỉ cần ăn no mà còn phải ăn đủ để đảm bảo sức khỏe cho cả bạn và bé yêu cùng phát triển.
Năng lượng cần thiết trong thai kỳ
Trong thời kỳ mang thai, bạn cần thu nạp vào cơ thể ít nhất khoảng 2500calo mỗi ngày, trong đó khoảng 10% lấy từ các chất đạm (thịt, cá, trứng, các sản phẩm sữa và các loại đậu); 35% lấy từ các chất béo (bơ, dầu thực vật, các sản phẩm sữa và lạc); 55% lấy từ cacbon hydrat (bánh mỳ, khoai tây, mỳ, gạo, ngô và các sản phẩm ngũ cốc khác).
Ăn no và ăn đủ
- Ăn no: Bạn có thể tăng khẩu phần ăn thêm ¼ so với trước khi có thai (ăn thêm khẩu phần hoặc ăn nhiều bữa). Để có thể ăn ngon miệng và ăn được nhiều hơn, bạn nên đa dạng hóa các món ăn cũng như cách chế biến. Nếu bạn bị nghén, bạn có thể nghỉ ngơi nhiều hơn để tích lũy thêm năng lượng từ thức ăn cho bé yêu trong bụng.
- Ăn đủ: Bạn nên có chế độ dinh dưỡng đầy đủ các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của bé yêu. Việc kiêng khem hay chỉ ăn chuyên biệt một loại thức ăn nào đó (thiên thực) trong giai đoạn này là hoàn toàn không tốt.
Những thực phẩm cần thiết khi mang thai
1. Cá và các loại hải sản:
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn cần ít nhất 300gr hải sản mỗi tuần. Tuy nhiên, đối với cá ngừ có hàm lượng thủy ngân cao, bạn không nên ăn quá 150gr mỗi tuần.
Những loại cá biển như cá hồi, cá ngừ, cá mòi và cá thu đều rất giàu chất béo omega 3. Đây là dưỡng chất cơ bản và rất cần thiết cho quá trình phát triển của bé. Trong đó, đặc biệt DHA được biết đến như một yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển trí não trong suốt giai đoạn thai kỳ.
Thủy sản nước ngọt bạn có thể chọn cá chép để nấu cháo hoặc chế biến theo các bài thuốc Đông y
2. Sữa:
Đây là nguồn cung cấp canxi, photpho, vitamin A, B, đặc biệt là vitamin D (giúp xương chắc khỏe) cho bạn và bé yêu. Trong suốt thời gian mang thai, bạn nên bổ sung cho cơ thể 1–2 cốc sữa tươi mỗi ngày.
Bên cạnh sữa, các sản phẩm được làm từ sữa tiệt trùng như sữa chua cũng rất tốt với các bà bầu. Sữa chua không chỉ tốt cho tiêu hóa của bạn mà còn có chứa rất nhiều canxi, vitamin B và kẽm.
3. Trứng:
Trong trứng có chứa một hàm lượng lớn protein cung cấp những amino axit cần thiết cho cả bạn và bé. Trong các loại trứng gia cầm, trứng gà chứa nhiều giá trị dinh dưỡng tốt nhất cho bạn, đặc biệt là chứa nhiều vitamin A – rất cần thiết cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, bạn có thể ăn thêm trứng vịt, trứng ngỗng…
4. Thịt:
Các loại thịt đỏ nạc, đặc biệt là thịt bò là nguồn cung cấp protein và sắt cho cơ thể bạn. Trong thịt bò có chứa một lượng lớn chất sắt, protein, B6, B12, kẽm, colin rất cần thiết cho sự phát triển cho bé, đặc biệt là quá trình phát triển của não bộ. Thịt gia cầm như thịt gà, vịt… cũng là nguồn protein, sắt cần thiết cho cơ thể.
Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều thịt để tránh tình trạng dư thừa lượng cholesterol trong máu. Ngoài thịt, để đảm bảo đủ lượng đạm cho cơ thể, bạn có thể ăn thêm các loại cá, trứng, sữa…
5. Các loại rau củ:
- Bông cải xanh (súp lơ): giúp cung cấp folate (axit folic), chất xơ, canxi, lutin, kẽm, vitamin A cho cơ thể.
- Bắp cải: hay bắp cải tím cũng là nguồn cung cấp vitamin B9 (axit folic) giúp phát triển hoàn thiện hệ thần kinh của bé. Ngoài ra, các loại rau lá có màu xanh đậm cũng có chứa rất nhiều vitamin C, sắt và axit folic.
- Carrot: Trong carrot có chứa tất cả các loại vitamin, trong đó quan trọng nhất là beta carotin có tác dụng điều phối vitamin A, giúp tuyến mồ hôi và nước bọt hoạt động tốt. Ngoài cà rốt, bạn cũng có thêm ăn thêm các loại quả màu vàng khác như bí đỏ, ớt vàng…
- Khoai lang: giúp bạn cải thiện đáng kể tình trạng táo bón trong thai kỳ. Bên cạnh đó, khoai lang còn chứa vitamin C, folate, photpho cần thiết cho cả bạn và bé..