Viêm gan siêu vi B là bệnh gan hiểm nghèo thường gặp nhất trên thế giới do siêu vi khuẩn B gây ra. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bị nhiễm siêu vi B cao nhất thế giới. Ở nước ta có khoảng 10 triệu người đang bị nhiễm căn bệnh này.
Tại sao viêm gan B được coi là căn bệnh nguy hiểm?
Vì đây là căn bệnh lây lan lặng lẽ, tiến triển âm thầm. Đa số người bị nhiễm siêu vi B đều không biết là mình bị nhiễm và có thể vô tình lây sang người khác qua đường máu. Đa số người lớn bị nhiễm đều có thể loại trừ siêu vi B dễ dàng. Tuy nhiên đa số trẻ sơ sinh và trẻ em bị nhiễm đều không thể loại trừ được siêu vi khuẩn này và sẽ trở thành người mang siêu vi B mạn tính.
Cứ 4 người mang siêu vi B mạn tính sẽ có 1 người bị thiệt mạng do xơ gan và ung thư gan trong suốt cuộc đời của họ. Siêu vi B có thể thầm lặng tấn công gan trong nhiều năm mà bệnh nhân không hề hay biết. Đến khi bệnh nhân cảm thấy cần đi khám bệnh thì thường bệnh đã vào giai đoạn cuối. Nhiều bệnh nhân đã chết do ung thư gan vẫn không biết thủ phạm chính là siêu vi khuẩn B.
Bệnh viêm gan siêu vi B có thể phát hiện sớm một cách dễ dàng nhờ vào các xét nghiệm máu đơn giản. Việc phát hiện sớm viêm gan B mạn tính giúp gia tăng hy vọng ngăn ngừa biến chứng xơ gan và ung thư gan bằng cách khám sức khỏe định kỳ và điều trị với những loại thuốc đặc trị mới.
Các loại thuốc đã được chấp thuận để điều trị bệnh viêm gan B mạn tính .
Trong vòng 10 năm qua, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều loại thuốc mới để điều trị căn bệnh này. Những loại thuốc đặc trị viêm gan B có thể làm giảm mức độ viêm gan và hạn chế xơ gan và ung thư gan bằng cách khống chế hoặc chặn đứng sự sinh sản và phát triển của siêu vi. Tính đến nay, đã có tất cả 6 thuốc chính thức được chấp thuận.
Interferon alpha: Được chấp thuận vào năm 1991. Thuốc dùng dạng chích 3 lần mỗi tuần trong 6 tháng đến 1 năm hoặc lâu hơn. Khi chích thuốc bệnh nhân có thể bị tác dụng phụ như triệu chứng giả cúm, nhức đầu, trầm cảm…
Pegylated interferon (Pegasys): Được chấp thuận vào tháng 5-2005. Thuốc dùng dạng chích 1 lần mỗi tuần và hiệu quả hơn interferon thông thường. Tác dụng phụ của thuốc tương tự như interferon.
Lamivudine (Zeffix): Thuốc đầu tiên dạng viên uống mỗi ngày 1 lần và hầu như không có tác dụng phụ. Thuốc được chấp thuận vào năm 1998, có thể dùng được ở người lớn và trẻ em. Lo ngại chính yếu khi dùng thuốc này là khi điều trị lâu dài, siêu vi có thể bị biến đổi và đáp ứng với thuốc sẽ trở nên kém đi.
Adefovir Dipivoxil (Hepsera): Thuốc viên uống mỗi ngày 1 lần, có hiệu quả trên siêu vi B bình thường lẫn siêu vi B bị kháng thuốc lamivudine. Tuy ít tác dụng phụ nhưng một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có thể bị biến chứng trên thận khi dùng thuốc. Được chấp thuận vào tháng 9-2002 và chỉ dùng cho người lớn.
Entecavir (Baraclude): Được chấp thuận vào tháng 4-2005, thuốc này được xem là loại thuốc có hiệu quả chống siêu vi B mạnh nhất và ít gây đề kháng nhất trên bệnh nhân mới, chưa dùng thuốc kháng siêu vi nào. Thuốc dạng viên uống một lần mỗi ngày, hầu như không có tác dụng phụ và chỉ dùng cho người lớn.
Telbivudine: Được chấp thuận tháng 9-2006. Thuốc dạng viên uống một lần mỗi ngày và có ít tác dụng phụ. Thuốc chỉ dành cho người lớn.
Mặc dù có nhiều loại thuốc đã được công nhận là thuốc chống siêu vi B nhưng hiệu quả điều trị của những thuốc này chưa thật là hoàn hảo vì không điều trị dứt hẳn siêu vi. Thuốc chỉ có lợi cho một số bệnh nhân, vì vậy việc quyết định điều trị cần ý kiến của các BS chuyên khoa.
May mắn là đa số người mang siêu vi B mạn tính vẫn sống khỏe mạnh suốt đời mà không cần dùng thuốc. Tuy vậy không có cách nào để biết ai sẽ là người vẫn còn khỏe mạnh và ai sẽ là người sẽ bị các biến chứng trong tương lai nên điều tối quan trọng là tất cả những bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính nên đi khám bệnh định kỳ cho dù có được điều trị thuốc hay không.
Có thuốc chủng ngừa viêm gan B không?
Hiện nay có thuốc chủng ngừa viêm gan B hiệu quả. Đây chính là thuốc chủng chống ung thư đầu tiên vì thuốc có thể bảo vệ tránh được siêu vi B vốn là tác nhân gây ra 80% các trường hợp ung thư gan trên thế giới. Với liều tiêm chủng 3 mũi, thuốc có thể đem lại hiệu quả bảo vệ gần như suốt đời cho người được tiêm chủng.
Theo SGGP