Câu 1: Cháu kết hôn được 3 tháng, kết hôn xong cháu mới biết mình bị mang virut viêm gan B. Hiện nay tình trạng sức khỏe của cháu bình thường, không có biểu hiện gì. Vậy cháu có phải ăn kiêng, con đường lây nhiễm của bệnh này là gì? Bệnh này có thuốc chữa không? Có những biến chứng nào?
Trả lời: Bệnh viêm gan B (VGB) có thể lây theo 3 phương thức chính là truyền máu, các sản phẩm của máu; tiếp xúc qua đường tình dục và lây truyền mẹ con; các phương thức phụ khác như: lây qua nước bọt, đường miệng do tổn thương miệng, dùng chung bàn chải, qua tiếp xúc gần gũi với người nhiễm trong gia đình, nhà trẻ... Virut có thể qua các tổn thương vi thể ở da, niêm mạc để xâm nhập vào hệ tuần hoàn của người lành. Người mang virut đào thải ra môi trường rất lâu dài, vì thế được coi là nguồn bệnh nguy hiểm trong cộng đồng. Hiện đã có một số thuốc điều trị bệnh nhưng không phải tất cả người nhiễm VGB đều phải dùng thuốc mà tùy thể bệnh.
Biến chứng của bệnh bao gồm các tổn thương gan rầm rộ trong đợt cấp tính gây: gan to, đau tức vùng hạ sườn phải, vàng da, vàng niêm mạc mắt, nước tiểu sẫm màu. Trường hợp viêm gan cấp tính nặng có thể dẫn đến tử vong.
Qua đợt cấp, người bệnh có thể nhiễm HBV kéo dài hoặc VGB mạn tính, khoảng 15-20% số người bị VGB mạn tính có thể trở thành xơ gan và ung thư gan. HBV được chứng minh là nguyên nhân của 80% các trường hợp ung thư gan nguyên phát trên toàn cầu.
Hiện tại sức khỏe của bạn bình thường nhưng cần đi khám và làm các xét nghiệm để kiểm tra tình trạng gan và tình trạng nhiễm virut. Có kế hoạch dự phòng cho vợ và con sau này như tiêm vaccin, sử dụng bao cao su... Đồng thời kiểm tra tình trạng nhiễm VGB của vợ.
Người bị viêm gan nói chung và nhiễm viêm gan virut B nói riêng cần chú ý chế độ ăn kiêng không dùng rượu và các chất có cồn, hạn chế mỡ.
ThS. Phạm Quang Thái
----------------------------------------------
Câu 2: Tôi bị viêm gan B đã 5 năm nay, tuy nhiên sức khỏe bình thường, trong thời gian qua tôi có chữa bằng thuốc nam, khi làm xét nghiệm máu HBsAg vẫn dương tính. Nghe nói tiêu chuẩn để đánh giá khỏi bệnh là phải sạch virut trong cơ thể có phải không?
Trả lời: Nhờ sự phát triển của y học, xét nghiệm để chẩn đoán bệnh viêm gan B đã được làm rộng rãi. Người mắc viêm gan virut B, khi xét nghiệm máu HBsAg từ dương tính (+) chuyển sang âm tính (-) là dấu hiệu bệnh khỏi. Tuy vậy có nhiều trường hợp virut viêm gan B còn tồn tại trong cơ thể vẫn được coi là khỏi bệnh. Họ là những người nhiễm virut viêm gan B mạn tính, cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, gan không bị viêm, chức năng gan bình thường. Họ không phải là bệnh nhân nhưng xét nghiệm HBsAg sau 6 tháng vẫn dương tính (+) thì được gọi là người lành mang virut viêm gan B mạn tính. Virut có thể tồn tại trong nhiều năm, thậm chí suốt đời trong máu và trong các dịch tiết của cơ thể họ. Các thuốc đặc hiệu đã chặn đứng sự nhân đôi của virut nghĩa là xét nghiệm máu HBsAg âm tính (-), nồng độ men gan GOT và GPT trong huyết thanh giảm rõ rệt một cách lâu dài.
Theo BS. Phạm Thị Thục - Sức Khoẻ & Đời Sống
----------------------------------------------
Hỏi: Một thời gian khá lâu gần đây, em có hiện tượng đi nước tiểu vàng. Điều này chỉ giảm khi em uống thật nhiều nước. Trên mặt và lưng cũng có xuất hiện rất nhiều mụn bọc, da hay có chất nhờn và rất khó chịu. Nhiều người bảo em bị bệnh gan hay thận gì đó. Vậy xin bác sĩ tư vấn cho em là em đã bị bệnh gì và đi chữa ở đâu... Em cần ăn uống ra sao và làm gì để khỏi bệnh.
Trả lời: Đi tiểu nước tiểu có màu vàng không hẳn là bị bệnh gan. Khi trời nóng nực, sốt cao, đổ mồ hôi nhiều, uống nước ít thì thận sẽ làm cho nước tiểu bị cô đặc lại nên có màu vàng hơn bình thường.
Khi uống nước đầy đủ thì đi tiểu sẽ trong và nhạt màu như bình thường. Đôi khi uống một số thuốc như vitamin B2, sulfasalazine… có thể làm cho nước tiểu cũng có màu vàng hơn bình thường.
Trên da nổi các mụn bọc, nhiều chất nhờn, có thể là do thay đổi nội tiết, thường gặp ở tuổi dậy thì chứ không phải là do bệnh gan như nhiều người đã lầm tưởng. Em nên ăn nhiều rau quả tươi để cung cấp đủ vitamin và chất xơ tránh táo bón, uống nhiều nước thì tình trạng trên có thể giảm bớt. Cuối cùng, em nên đến khám ở các phòng khám da liễu để được chẩn đoán và chữa trị bệnh da. Ngoài ra cũng nên khi khám bệnh tổng quát để làm một số xét nghiệm tầm soát bệnh gan cho yên tâm.
Theo TS.BS BÙI HỮU HOÀNG - BV ĐH Y Dược TP.HCM
(Tuổi Trẻ Online)