Trước đây người ta chỉ nghĩ nhiều đến việc uống rượu có thể dẫn đến xơ gan, thực ra việc uống rượu nhiều có thể gây tổn thương gan dưới các dạng: gan nhiễm mỡ, viêm gan và xơ gan. Phụ nữ thường bị tổn thương nhiều hơn nếu uống cùng mức độ như nam giới. Nếu nam giới uống một lượng rượu có thể dẫn đến tổn thương gan thì nữ giới chỉ cần uống lượng nhỏ bằng 1/3 như vậy cũng có thể dẫn đến các tổn thương gan. Ngoài ra việc tổn thương gan do uống rượu còn phụ thuộc vào từng cá nhân.
Ảnh hưởng của rượu đến gan như thế nào?
|
Gan bị xơ (trên). Gan bình thường (dưới). Ảnh: Sức Khoẻ & Đời Sống |
Rượu có thể cung cấp năng lượng nhưng không cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, làm chán ăn, gây nên tình trạng kém hấp thu của đường tiêu hóa do gây độc đối với đường tiêu hóa và tụy. Hậu quả là người nghiện rượu thường ăn kém và ở tình trạng suy dinh dưỡng. Ngoài ra ở nam giới nếu nghiện rượu có thể gây ra rối loạn nội tiết, tăng sản xuất estrogen - nội tiết buồng trứng, giảm testoteron - nội tiết tinh hoàn sinh ra dẫn đến tình trạng to vú, giảm khả năng tình dục.
Trường hợp gan nhiễm mỡ do uống rượu thường ít khi có dấu hiệu rõ mà chỉ khoảng 1/3 có biểu hiện gan to và đôi khi có đau. Trên siêu âm sẽ thấy rõ tình trạng gan nhiễm mỡ.
Nếu viêm gan do rượu có thể biểu hiện giống viêm gan nhiễm virut như sốt, vàng da, vàng mắt, xét nghiệm máu có tăng nhẹ bạch cầu, tăng men gan và bilirubin máu. Một số trường hợp có thể xuất hiện gan to đau. Ngoài ra có thể có dấu hiệu tuần hoàn bàng hệ nổi dưới da bụng.
Trường hợp xơ gan do rượu đôi khi không có triệu chứng hoặc triệu chứng giống như viêm gan. Trường hợp xơ gan có biến chứng có thể xuất hiện các dấu hiệu là tăng áp lực tĩnh mạch cửa kèm với lách to, bụng cổ trướng, suy thận (hội chứng gan thận), hoặc giảm sút tinh thần do gan, trường hợp này người bệnh có các hành vi không làm chủ được bản thân, hoặc có thể tiến triển thành u gan. Nếu tăng áp lực tĩnh mạch cửa, có biến chứng giãn tĩnh mạch thực quản có thể dẫn đến nôn ra máu ồ ạt, nhiều trường hợp không cầm được sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Điều trị bệnh gan do rượu bằng cách nào?
Chẩn đoán bệnh qua khám lâm sàng, đặc biệt là xét nghiệm thấy chức năng gan giảm, siêu âm thấy gan đa số to, đậm âm, bụng có dịch, có hình ảnh tăng áp lực tĩnh mạch cửa, lách to..., đặc biệt việc chọc sinh thiết gan qua da sẽ giúp cho chẩn đoán chắc chắn xơ gan.
Các biến chứng gan do rượu mang lại là xơ gan, dẫn đến suy gan - thận, hoặc nôn ra máu, hoặc thành khối u. Ở Mỹ, nguyên nhân phổ biến của xơ gan là do uống rượu quá nhiều trong khi ở các nước châu Phi và châu Á nguyên nhân chính là viêm gan do nhiễm virut. Người ta thấy ở Mỹ xơ gan là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong cao nhất chỉ sau bệnh tim mạch và bệnh ung thư ở lứa tuổi từ 45-65. Nếu người nghiện rượu vẫn tiếp tục uống rượu khi gan đã bị thương tổn sẽ nhanh chóng gây tử vong. Trường hợp ngừng uống rượu, tổn thương gan mỡ, viêm gan có thể tự ngừng và gan được phục hồi, nếu đã bị xơ gan thì gan khó phục hồi lại được.
Không có biện pháp nào điều trị khỏi hẳn xơ gan. Việc điều trị chỉ nhằm giảm độc tố từ gan hạn chế quá trình xơ gan tiến triển, cung cấp vitamin, điều trị các biến chứng như nôn máu bằng soi và tiêm xơ giãn tĩnh mạch thực quản, hoặc phẫu thuật làm giảm máu về tĩnh mạch cửa.
Ghép gan trong xơ gan, đặc biệt trường hợp xơ gan tiến triển rất hiệu quả. Tuy nhiên việc ghép gan rất phức tạp và tốn kém, đặc biệt trong điều kiện như nước ta hiện nay chưa có luật lấy tạng ở người chết đã làm hạn chế rất nhiều việc thực hiện kỹ thuật này. Hơn nữa, nếu sau ghép gan vẫn tiếp tục uống rượu thì gan được ghép cũng vẫn có thể tiến triển thành xơ gan.
Phòng bệnh gan do rượu
Tốt nhất là nên uống rượu có chừng mực. Khi có các biểu hiện tổn thương gan do rượu: gan nhiễm mỡ, viêm gan và nhất là đã có xơ gan nên ngừng uống rượu mới có hy vọng kéo dài được tuổi thọ. Mặc dù hiện nay ở Việt Nam, số người bị xơ gan do rượu so với xơ gan do viêm gan siêu vi ít nhưng số lượng chắc không nhỏ do tập quán, thói quen uống rượu phổ biến. Bản thân xơ gan do rượu là bệnh có thể phòng tránh được nên cần có ý thức về ăn uống và lối sống lành mạnh sẽ hạn chế được biến chứng này.
Theo BS. Nguyễn Đức Chính - Sức Khoẻ & Đời Sống