Chóng mặt là một cảm giác chủ quan, khi đó bệnh nhân cảm thấy mình chuyển động trong không gian hoặc các vật chuyển động xung quanh mình. Đây là triệu chứng khá thường gặp trong cuộc sống và trong lâm sàng, nhiều khi ảnh hưởng tới tâm lý của người bệnh cũng như gia đình họ.
Cấu tạo giải phẫu dây thần kinh tiền đình. Ảnh: Google |
Chóng mặt do nguyên nhân tiền đình
Chóng mặt chỉ là một trong nhiều triệu chứng của tổn thương cơ quan tiền đình (chóng mặt, rối loạn thăng bằng, rung giật nhãn cầu (Nystagmus - có tác giả gọi là lay tròng mắt), rối loạn thần kinh thực vật như: nôn, buồn nôn, chân tay lạnh và tê, vã mồ hôi, thay đổi mạch, huyết áp). Rối loạn tiền đình thường do nhiều nguyên nhân gây nên, dựa vào thời gian cơn chóng mặt người ta có thể chẩn đoán một số nguyên nhân như: kéo dài không quá 1 phút: chóng mặt tư thế lành tính, kéo dài vài phút: thiếu máu động mạch đốt sống thân nền thoảng qua, kéo dài vài giờ: bệnh Meniere, kéo dài vài ngày: tổn thương thần kinh tiền đình hay tổn thương não. Người ta phân biệt tổn thương tiền đình trung ương hay ngoại biên dựa vào triệu chứng chóng mặt và các triệu chứng khác (xem bảng).
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính
Là chóng mặt ngoại vi (có hệ thống) thường gặp, chiếm tới 25% các trường hợp chóng mặt, hay gặp ở nữ, tuổi trên 40. Nguyên nhân là do sự di chuyển của các thạch nhĩ trong lòng ống bán khuyên của cơ quan tiền đình gây nên chóng mặt khi thay đổi tư thế của đầu.
Biểu hiện lâm sàng bằng các cơn chóng mặt ngắn khi thay đổi tư thế của đầu: đang nằm, ngồi dậy hoặc khi nằm và xoay người, cúi người hoặc xoay đầu. Triệu chứng thường nặng về buổi sáng và giảm dần trong ngày. Có thể có rung giật nhãn cầu, thường không có ù tai và giảm thính lực.
Bệnh Meniere
Bệnh xuất hiện do tình trạng ứ nội bạch dịch trong các vòng bán khuyên, thường gặp ở tuổi trưởng thành, cả nam và nữ. Biểu hiện lâm sàng bằng các cơn chóng mặt, nặng tai, ù tai, giảm thính lực một bên tai. Thường kèm theo nôn, buồn nôn, tiêu chảy kéo dài khoảng vài giờ. Sau khi lui bệnh, thính lực có thể trở về bình thường, nếu tái phát thính lực bên tổn thương sẽ giảm dần. Bệnh thường tái phát sau một thời gian, một số trường hợp sẽ bị cả hai bên tai.
Điều trị hội chứng tiền đình
- Trước tiên phải để bệnh nhân ở tư thế nằm đầu thấp, cố định đầu, nơi ít ánh sáng, tránh xê dịch.
- Nếu bệnh nhân có nôn nhiều phải cho thuốc chống nôn đường tiêm như papaverin 40mg hoặc primperan 10 mg tiêm bắp.
- Truyền dịch bù nước, điện giải nếu có điều kiện.
- Chống chóng mặt bằng các nhóm thuốc: sử dụng tùy kinh nghiệm của các bác sĩ tuy nhiên có thể sử dụng các thuốc sau:
+ Các thuốc nhóm kháng histamin: vừa có hiệu quả tới chứng chóng mặt vừa làm giảm triệu chứng nôn, buồn nôn. Tác dụng phụ của nhóm này là có thể gây ngủ nhẹ nên không dùng trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Các thuốc thường dùng là promethazin 25 mg, scopolamin 0,5mg; diphenhydramin 50 mg.
+ Acetylleucin: 1.000 - 1.500mg/ ngày. Có cả dạng viên và tiêm tĩnh mạch, dạng tiêm tĩnh mạch nên tiêm chậm vì nếu tiêm nhanh có thể gây hồi hộp, trống ngực, mạch nhanh. Thường được dùng ở giai đoạn cấp tính.
+ Nhóm ức chế calci chọn lọc mạch máu não: hay sử dụng nhất hiện nay là các biệt dược của flunarizine, viên 5mg, dùng từ 5 -10mg (1-2viên)/ngày, nên uống trước khi ngủ vì cũng có tác dụng an thần nhẹ. Các thuốc khác có thể dùng như cinnarizin 50-100mg/ngày.
+ Nhóm benzodiazepin: hay dùng là valium, diazepam. Đây là các thuốc trấn tĩnh nhẹ, có thể dùng trong trường hợp bệnh nhân quá lo lắng vì chóng mặt. Tuy nhiên có thể gây quen và lệ thuộc thuốc nên phải có hướng dẫn kỹ, tránh lạm dụng thuốc.
+ Nhóm tăng tuần hoàn tiền đình, tuần hoàn não: nhóm này thường được sử dụng sau giai đoạn cấp, thường để điều trị duy trì, sử dụng lâu dài. Nhóm này có rất nhiều các nhóm nhỏ như:
Betahistin: tác dụng chính vào nhân tiền đình, dùng từ 24 -48mg/ngày chia 3 lần.
Ginkgo biloba 40 mg dùng 3 viên/ngày.
Piracetam 1.200 - 2.400mg/ngày.
Almitrin - raubasin 40mg dùng 2 viên/ngày.
Và rất nhiều thuốc khác.
- Tập bù trừ tiền đình: thường tập khi nghĩ tới chóng mặt tư thế lành tính. Nếu chóng mặt do thiểu năng động mạch đốt sống thân nền thì không nên tập vì có thể gây thiếu máu não. Nên tập có sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Có thể áp dụng cách tập sau:
+ Khi cấp tính: tập ở tư thế nằm: đưa mắt sang hai bên, lên xuống, thực hiện động tác chậm rồi nhanh dần. Nhìn một vật di chuyển qua lại trước mắt 20cm. Khi có thể thì gập, ngửa, quay đầu sang hai bên từ từ và nhanh dần. Nếu đỡ có thể tập ở tư thế ngồi hoặc đứng.
+ Khi qua giai đoạn cấp: tập ở tư thế đứng, đang ngồi, từ từ đứng dậy sau đó đi, lên xuống cầu thang, xoay người kết hợp mở mắt và nhắm mắt.
Tóm lại, khi có triệu chứng chóng mặt, nhất là thời gian kéo dài, chưa rõ nguyên nhân, bệnh nhân cần đến các cơ sở chuyên khoa tai, thần kinh để khám, phát hiện các nguyên nhân từ đó có sự tư vấn và phương pháp điều trị hiệu quả. Không nên tự điều trị tại nhà, lạm dụng thuốc để tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đặc điểm lâm sàng | Tiền đình trung ương | Tiền đình ngoại vi |
1. Vị trí tổn thương | Nhân tiền đình, đường liên hệ trong thân não | Tai trong, dây thần kinh tiền đình |
2. Chóng mặt | | Từng đợt, đột ngột |
+ Thời gian | Thường xuyên | Cảm giác xoay tròn hoặc đồ đạc quay xung quanh mình (chóng mặt có hệ thống) |
+ Tính chất | Cảm giác bồng bềnh, tròng trành (chóng mặt không hệ thống) | |
+ Cường độ chóng mặt | Vừa phải | Rất nặng |
3. Rung giật nhãn cầu | Theo chiều dọc | Theo chiều ngang hoặc xoay |
4. Rối loạn thăng bằng (chiều ngã khi làm nghiệm pháp Romberg) | Không phù hợp với chiều của rung giật nhãn cầu | Cùng chiều với chiều của rung giật nhãn cầu |
5. Các triệu chứng khác | | |
+ Hội chứng tiểu não | Thường gặp | Không |
+ Hội chứng giao bên | Có thể có | Không |
+ Tổn thương mắt phối hợp | Có thể liệt nhìn | Không |
+ Ù tai, giảm thính lực | Hiếm | Thường gặp |
+ Đau đầu | Có | Không |
6. Tiến triển | Chậm, lâu khỏi | Thoái lui nhanh |