Cho đến nay, tuy có rất nhiều tiến bộ trong việc điều trị bệnh trĩ giúp bệnh nhân phục hồi tốt và nhanh chóng quay trở lại nếp sinh hoạt bình thường nhưng hầu hết bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm.
Nhân viên văn phòng dễ mắc bệnh
Trĩ là bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến nhập viện. Chảy máu là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất. Đây là một trong những lý do đưa bệnh nhân đến khám. Lúc đầu chảy máu rất kín đáo, tình cờ bệnh nhân phát hiện khi nhìn vào giấy chùi vệ sinh sau khi đi cầu hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu nhỏ. Về sau, mỗi khi đi cầu phải rặn nhiều do táo bón thì máu chảy thành giọt hay thành tia.
Muộn hơn nữa cứ mỗi lần đi cầu, mỗi lần đi lại nhiều, mỗi lần ngồi xổm, máu lại chảy, có khi máu chảy rất nhiều buộc bệnh nhân phải vào cấp cứu. Đôi khi máu từ búi trĩ chảy ra đọng lại trong lòng trực tràng rồi sau đó mới đi cầu ra nhiều máu cục.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có kèm theo các triệu chứng khác như đau khi đi cầu, ngứa quanh lỗ hậu môn. Thông thường, trĩ không gây đau, triệu chứng đau xảy ra khi có biến chứng như tắc mạch, sa trĩ nghẹt hay do các bệnh khác ở vùng hậu môn như nứt hậu môn, áp xe cạnh hậu môn... Triệu chứng ngứa xảy ra do búi trĩ sa ra ngoài và tiết dịch gây viêm da quanh hậu môn làm cho bệnh nhân cảm thấy hậu môn lúc nào cũng có cảm giác ướt và ngứa.
Dễ nhầm với ung thư trực tràng Triệu chứng chính thường dẫn bệnh nhân đến khám là chảy máu, sa trĩ và đau là các triệu chứng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nên dễ lầm lẫn nếu không đi khám. Với triệu chứng chảy máu có bệnh ung thư hậu môn trực tràng cũng cho triệu chứng tương tự, nếu bệnh nhân cứ cho là mình bị bệnh trĩ không đi khám đến khi ung thư phát triển thì không còn khả năng điều trị được. Ngoài ung thư, hậu môn trực tràng có bệnh cũng cho dấu hiệu chảy máu như vậy là polype trực tràng, đây là bệnh cần can thiệp cắt bỏ mới hết bệnh chứ không thể điều trị bằng thuốc. Búi trĩ sa ra ngoài thường lầm với sa trực tràng, hai bệnh có cách điều trị khác nhau. |
Theo khảo sát mới nhất, hiện nay hơn 70% người bị mắc bệnh trĩ là nhân viên văn phòng do ngồi nhiều, những người ít vận động hay những người làm việc phải đứng nhiều hoặc những người có thói quen sử dụng các chất men, cay... Còn theo GS-TS Lê Quang Nghĩa, Phó Giám đốc BV Bình Dân TPHCM, có đến gần 60% người trên 40 tuổi mắc bệnh trĩ.
Lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp
Bệnh trĩ tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không nặng nề nên bệnh nhân thường bỏ qua và vì bệnh ở vùng kín đáo nên bệnh nhân thường ngại ngùng, nhất là phụ nữ.
Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà thầy thuốc sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp là dùng phương pháp ULTROID, LONGO hay HCPT.
Mới nhất là thủ thuật điều trị trĩ bằng một thiết bị có điện cực không gây đau nên bệnh nhân không cần giảm đau hoặc gây mê. Những phương pháp mới trong điều trị bệnh trĩ thời gian gần đây đã khắc phục được nhiều mặt hạn chế của những phương pháp cổ điển. Như thời gian điều trị rất nhanh, không gây đau đớn cho người bệnh nên họ có thể nhanh chóng đi làm sau khi điều trị trĩ, làm giảm đến mức tối thiểu những biến chứng (hẹp hậu môn, són phân, đi cầu không kiểm soát...). Đồng thời, các phương pháp này đều bảo tồn được đệm hậu môn và giảm nguy cơ tái phát.
Để tránh mắc chứng bệnh “khó nói” này, nên uống một ly nước vào buổi sáng, tập thói quen hằng ngày đều đặn đi đại tiện vào một giờ nhất định, tập thể dục vừa phải, đầy đủ, thư giãn cơ bụng (yoga) hoặc tập cho cơ bụng mạnh hơn: tập thể dục bụng cho thon người, đi bộ, bơi lội. Về ăn uống, nên ăn đủ chất xơ như trái cây, rau củ, uống nhiều nước. Nên giảm dùng gia vị cay, thức uống có cồn, cà phê, các thức ăn gây táo bón. Trong cơn trĩ cấp, nên tránh các hoạt động như: đi mô tô, xe đạp, cưỡi ngựa.
Theo Nhất Phương / NLĐ