Chim bói cá (Alcedo atthis bengalensis Gmelin) thuộc họ bói cá (Alcedinidae), tên khác là bồng chanh, chim chài cá, chim thần chài, là một loài chim nhỏ, chuyên săn bắt cá. Thân thon ngắn, đầu to hơi dài, dẹt trên, mắt nâu, mỏ đen, cổ rất ngắn, cánh rộng, đuôi ngắn.
Bộ lông sặc sỡ nhiều màu: lông ở đầu, gáy và cổ có vằn đen phớt xanh lục và da trời xen kẽ. Lông hông và trên đuôi màu xanh lam óng ánh. Vai và bao cánh xanh phớt lục, đầu các lông điểm xanh lam trừ các lông bao cánh sơ cấp. Lông cánh màu đen có viền lục nhạt. Lông đuôi xanh thẫm ở mặt trên, nâu sẫm ở mặt dưới. Trên mắt có một đường vạch màu đen. Lông trán, má và tai màu nâu. Lông ở hai bên ngực xanh xỉn. Bụng màu hung nâu.
Chim định cư phổ biến, phân bố ở Bắc Ấn Độ, Đông Bắc Mông Cổ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, vùng Đông Nam Xibêri, các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, bói cá có mặt ở khắp nơi từ vùng đồng bằng đến miền núi, độ cao không quá 500-600m; thường gặp ở những chỗ có nhiều nước như ao, hồ, sông suối, nhất là ở chỗ nước trong và lặng.
Bộ phận dùng làm thuốc của bói cá là toàn con chim đã vặt lông, bỏ nội tạng. Dược liệu, tên thuốc trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian là ngư cẩu, có vị mặn, tính bình, không độc, có tác dụng định suyễn, giải độc, chỉ thống được dùng trong những trường hợp sau:
Chữa hen suyễn, ho lâu năm: Dưới dạng thức ăn – vị thuốc (thịt chim để tươi, 50-100g cắt nhỏ, nấu với gạo nếp thành cháo, ăn trong ngày), dạng thuốc sắc (thịt chim phơi khô, 30-50g, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày), dạng thuốc viên hoàn (thịt chim đã sấy khô, tán nhỏ mịn, trộn với mật, mỗi lần uống 4-6g).
Chữa trĩ: Bột chim bói cá hòa với nước, nặn thành bánh mà đắp, băng lại. Ngày làm một lần, làm liên tục trong 7-10 ngày.
Tác giả: DS. Hữu Bảo
Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống