Bệnh trĩ là một bệnh gặp khá phổ biến trong cộng đồng. Bệnh gây nhiều phiền phức cho người bệnh và rất nguy hiểm, nếu ở giai đoạn muộn, phình to, thòi ra ngoài hậu môn, chảy máu làm cho người bệnh rất khó chịu. Bệnh gặp chủ yếu ở người trưởng thành, nam giới mắc nhiều hơn nữ.
Bệnh trĩ có mấy loại?
Người ta chia bệnh trĩ thành 2 loại. Do búi trĩ không phải là một tổ chức bệnh lý mà do đám rối tĩnh mạch ở vùng cuối trực tràng và hậu môn phình ra. Nếu đám rối tĩnh mạch nằm trong trực tràng gọi là trĩ nội, nếu đám rối tĩnh mạch nằm từ khoang cạnh hậu môn dưới da thì gọi là trĩ ngoại. Hầu hết bệnh nhân bị bệnh trĩ, nhất là trĩ nội hay có những triệu chứng bất thường xảy ra như cương tụ và giãn, căng thành mạch máu của búi trĩ gây đau đớn, chảy máu nhất là khi đi ngoài, rặn nhiều, máu có thể chảy ra trước khi phân ra hoặc dính với phân và có thể ra sau khi phân đã ra ngoài hậu môn, hoặc có thể có tất cả các hiện tượng đó. Trĩ nội khi phình to khó thu nhỏ được thì hay bị thòi ra ngoài mỗi khi áp lực ổ bụng tăng lên như rặn đi ngoài, nhảy, chạy, ngồi lâu, đứng lâu, ho mạnh...
Trong 2 loại thì trĩ nội gây rắc rối hơn nhiều so với trĩ ngoại. Trĩ nội được chia thành 4 mức độ khác nhau tùy theo mức độ nặng, nhẹ của chúng (đánh số từ 1 đến 4). Độ 1: búi trĩ còn nằm trong ống hậu môn; độ 2: mỗi lần đi ngoài bũi trĩ thòi ra ở hậu môn, sau khi đi ngoài (phân ra hết ) thì búi trĩ chui lên được tụt vào trong ống hậu môn; độ 3: khi có áp lực ổ bụng tăng lên thì búi trĩ thòi ra ngoài ống hậu môn và không tự tụt vào được mà cần có tác động cơ học (phải dùng ngón tay đẩy lên); độ 4: búi trĩ thường xuyên thòi ra ngoài hậu môn (không tự đẩy lên được hoặc đẩy lên chúng lại thòi ra).
Trên cùng một người bệnh có thể chỉ bị trĩ nội hoặc trĩ ngoại nhưng cũng có những bệnh nhân vừa bị trĩ nội vừa bị trĩ ngoại.
Biến chứng thường gặp nhất của bệnh trĩ
Chảy máu: Trĩ là biểu hiện bệnh lý của thành mạch máu,khi thành mạch máu giãn ra thì sẽ mỏng rất dễ thủng, dễ rách, dễ vỡ gây chảy máu. Mức độ chảy máu nhiều hay ít tùy theo mức độ của bệnh nhưng hậu quả của mất máu là gây thiếu máu. Nếu búi trĩ to, nhiều tĩnh mạch thì có thể gây chảy máu nhiều càng dễ dẫn đến thiếu máu trầm trọng rất nguy hiểm đến tính mạng.
Đau: khi búi trĩ to, thòi ra ngoài (độ 3 và 4) gây đau đớn nhất là có hiện tượng cọ xát khi vận động, đi lại.
Gây tắc nghẽn: Búi trĩ to làm cho máu đông lại thành cục, gây tắc nghẽn và gây đau dữ dội.
Bội nhiễm: nếu trĩ thòi ra ngoài lâu, chảy máu liên tục thì rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn bởi vì hậu môn là đường ra của phân và nước tiểu mà trong phân có vô số vi khuẩn gây bệnh.
Đề phòng bệnh trĩ như thế nào?
Không nên đứng hoặc ngồi lâu, giữa giờ làm việc nên tranh thủ vận động, thể dục nhẹ nhàng. Hằng ngày nên tập thể dục nhẹ nhàng, tổng thời gian tập vào khoảng từ 30 - 60 phút. Nên ăn nhiều rau, chất xơ. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh trĩkhông nên ăn, uống các chất kích thích như cà phê, rượu, ớt, tiêu.
Điều trị trĩ có nhiều phương pháp nhưng chọn phương pháp nào là do bác sĩ khám và chỉ định.Do vậy khi có các biểu hiện của bệnh nên đi khám ở cơ sở y tế có đủ điều kiện càng sớm càng tốt, không nên để bệnh trĩ đến giai đoạn độ 3, 4 mới đi khám thì dễ xảy ra biến chứng hơn và việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Không nên trì hoãn việc khám và điều trị vì sẽ làm tăng mức độ trầm trọng của bệnh, nhất là để mất máu, nhiễm khuẩn thì rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh, đặc biệt là gây nhiễm khuẩn huyết.
Nguyên nhân gây bệnh trĩ
Bệnh trĩ là hiện tượng liên quan mật thiết đến đám rối tĩnh mạch ở vùng cuối trực tràng và hậu môn, khi đám rối tĩnh mạch vùng phíacuối trực tràng và hậu môn bị phình, giãn ra gọi là trĩ. Bệnh trĩ là một loại bệnh của mạch máu tĩnh mạch. Bệnh này thuộc bệnh ở tổ chức mô do chất lượng của mô tĩnh mạch kém nên khi máu ứ đọng sẽ làm cho tĩnh mạch giãn, phình ra.
Nguyên nhân gây nên bệnh trĩ cho đến nay chưa xác định được một cách chắc chắn. Nhưng có nhiều yếu tố thuận lợi làm cho nguy cơ mắc bệnh trĩ tăng cao như viêm đại tràng mạn tính, táo bón kéo dài, những trường hợp do ngồi để đại tiện thời gian lâu, rặn mạnh làm cho áp lực trong ổ bụng và áp lực trong trực tràng, trong ống hậu môn tăng cao khiến tĩnh mạch trực tràng và hậu môn bị phình, giãn ra bởi chất lượng của tổ chức mô kém gây nên bệnh trĩ. Những người lao động nặng nhọc như mang vác, đội vật nặng lên đầu, lên vai(công nhân bốc vác ở các bến cảng) làm cho áp lực trong ổ bụng tăng lên một cách đáng kể trong một thời gian dài và kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm cũng có nguy cơ cao bị mắc bệnh trĩ. Một số bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp mạn tính kéo dài như viêm họng mạn tính, viêm phế quản, giãn phế quản, bệnh hen, bệnh lao phổi... thường có triệu chứng ho kéo dài làm cho áp lực trong ổ bụng tăng cũng có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ. Một số nghề do phải ngồi lâu, đứng lâu như thợ may, thợ đứng máy, một số cán bộ văn phòng, làm nghề đánh máy vi tính... cũngcó nguy cơ mắc bệnh trĩ. Trong ăn uống kiêng khem quá mức, ăn ít rau, ít chất xơ làm cho táo bón kéo dài cũng cần được chú ý khi có biểu hiện bệnh trĩ.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu
Nguồn:suckhoedoisong