Bệnh trĩ và ung thư đại tràng có một triệu chứng tương đối giống nhau là đại tiện ra máu. Trĩ là bệnh khá phổ biến ở tuổi trung niên và người già, còn ung thư đại tràng thì ít gặp hơn. Chính vì điều đó nên một số người khi thấy đại tiện ra máu thì nghĩ ngay đến bệnh trĩ và đến các hiệu thuốc để mua thuốc tự điều trị. Do vậy, với người cao tuổi và trung niên, khi phát hiện thấy đại tiện ra máu thì nên có ý thức cảnh giác, đồng thời cũng nên trang bị cho mình một số hiểu biết sơ bộ để có thể phân biệt được đó là biểu hiện triệu chứng của bệnh gì.
Bệnh trĩ và ung thư đại tràng có một triệu chứng tương đối giống nhau là đại tiện ra máu. Trĩ là bệnh khá phổ biến ở tuổi trung niên và người già, còn ung thư đại tràng thì ít gặp hơn. Chính vì điều đó nên một số người khi thấy đại tiện ra máu thì nghĩ ngay đến bệnh trĩ và đến các hiệu thuốc để mua thuốc tự điều trị. Do vậy, với người cao tuổi và trung niên, khi phát hiện thấy đại tiện ra máu thì nên có ý thức cảnh giác, đồng thời cũng nên trang bị cho mình một số hiểu biết sơ bộ để có thể phân biệt được đó là biểu hiện triệu chứng của bệnh gì.
Đại tiện ra máu ở bệnh trĩ có đặc điểm là sau đại tiện mới xuất hiện máu tươi, nhỏ thành giọt, có khi phun thành tia; dịch máu và phân không lẫn vào nhau; lượng máu lúc nhiều lúc ít; xung quanh hậu môn có cảm giác đau tức khó chịu, hoặc cảm giác như có dị vật.
Còn đại tiện ra máu ở giai đoạn đầu của ung thư trực tràng thì lượng máu rất ít và thường phủ lẫn trên bề mặt của phân, màu sắc tím sẫm và thường lẫn với dịch nhày, có khi là dịch mủ; đến khi bệnh phát triển nặng hơn thì lượng máu khi đại tiện ra cũng tăng lên. Ngoài ra còn có một đặc điểm khác với bệnh trĩ là sự thay đổi thói quen đại tiện một cách đột ngột: hoặc đại tiện lỏng, hoặc đại tiện phân táo, hoặc táo lỏng xen kẽ. Đồng thời bệnh nhân dần dần có biểu hiện thiếu máu, gầy sút, đau bụng, khó chịu..., đó là những biểu hiện ung thư đã chuyển sang giai đoạn muộn.
Cho nên, với người cao tuổi và trung niên, khi có biểu hiện đại tiện ra máu thì tốt nhất là nên đến bệnh viện để kiểm tra xác định nguyên nhân.
Cũng cần nói thêm rằng, ung thư đại tràng thường xuất hiện ở những đối tượng có nguy cơ cao như: trong gia đình trực hệ (bố mẹ, anh chị em ruột) có người bị ung thư đại tràng; nhóm nguy cơ cao thứ hai là những bệnh nhân đã được chẩn đoán là có polip đại tràng, u tuyến đại tràng; thứ ba là những người bị táo bón kéo dài và ngày càng trở nên nghiêm trọng mà điều trị không có kết quả, hoặc những trường hợp đại tiện lỏng kéo dài không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, những người hay ăn thức ăn có hàm lượng cholesterol cao, thích ăn thịt nướng, những người béo phì... cũng nên có ý thức đề cao cảnh giác, nếu có triệu chứng đại tiện ra máu, cho dù lượng máu có thể rất ít và chưa có triệu chứng gì kèm theo thì cũng nên đi khám ngay, không nên coi thường.
Tác giả: TS. Đỗ Đình Long
Nguồn: Báo sức khỏe và đời sống